Người Việt Nam chắc hẳn chẳng còn xa lạ với những công trình vượt thời gian như Đại học Tổng Hợp trên góc phố Lý Thường Kiệt cổ kính, hay Nhà Hát Lớn đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn uy nghi, vững chãi. Sự xuất hiện của phong cách kiến trúc Indochine đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đam mê tìm hiểu kiến trúc. Những nét sang trọng, quý phái nhưng vẫn giữ trong mình sự dung dị, “điệu đà” có lẽ là điểm nhấn của kiến trúc Indochine - kiểu kiến trúc Đông Dương gây thương nhớ người đời.
Nhà hát lớn thiết kế theo phong cách kiến trúc Indochine ở Việt Nam
Khái quát về phong cách Indochine
Được lấy cảm hứng từ Pháp, tuy nhiên để phù hợp với điều kiện khí hậu, thiên nhiên Việt Nam nóng ẩm, mưa nhiều, có mùa hè gay gắt và mùa đông lạnh, thì các kiến trúc sư đến từ Châu Âu đã đưa ra những giải pháp khắc phục, phù hợp với lối sống, truyền thống của phương Đông để tạo nên những công trình tinh tế, sang trọng. Với nguyên liệu chủ yếu đến từ thiên nhiên như tre, nứa, gỗ, ngoài ra những trụ cột bê tông cũng là những điểm mới, làm cho những công trình trường tồn cùng thời gian.
Khởi nguồn của phong cách kiến trúc Indochine
Với điều kiện khí hậu và phong tục tập quán của Việt Nam khiến cho kiểu kiến trúc Pháp trở nên hạn chế, bất cập. Để khắc phục những nhược điểm đó, giáo sư Ernest Hébrard cùng các kiến trúc sư giảng dạy tại trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã sáng tạo, thay đổi lại để tạo ra một phong cách kiến trúc mới để không chỉ khắc phục được những nhược điểm của kiến trúc Pháp mà còn chứa đựng tinh hoa kiến trúc Đông Dương, và ông gọi xu hướng thiết kế này là “Kiến trúc Đông Dương".
Công trình kiến trúc độc đáo theo phong cách Đông Dương tại Việt Nam
Thực chất đây là phong cách chiết trung Âu - Á bởi những chi tiết kiến trúc của phong cách này không chỉ là kiến trúc của ba nước Đông Dương mà còn có những chi tiết của kiến trúc độc đáo của người Trung Hoa. Hébrard đã để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị. Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam) là kết quả của thiết kế kiến trúc Indochine ở Việt Nam.
Nét đặc trưng phong cách kiến trúc Indochine
Phong cách Indochine là điển hình nhất ở cả sáu nước Đông Dương (gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) và được chia thành các phần cơ bản: Indochine - lịch sử thống nhất văn hóa; Lãng mạn Indochine - theo tiêu chuẩn của Pháp; Nghệ thuật sống, phong cách thiết kế nội thất Đông Dương, v.v. ….. Bởi vậy đặc trưng của kiến trúc Indochine là sự giao thoa của văn hoá phương Tây và Đông Dương.
Tổ chức không gian
Phong cách thiết kế này thường chú trọng nhiều đến công năng sử dụng. Mỗi nơi sẽ đảm nhiệm một chức năng khác nhau và tuỳ vào mục đích sử dụng mà được thiết kế, xây dựng sao cho phù hợp. Theo kiến trúc kiểu Pháp, tổ chức không gian thường đăng đối trên một trục, lấy tiền sảnh làm trung tâm. Có lẽ đây là một điểm khác biệt tương đối lớn so với không gian nhà Việt cổ với kiến trúc 3 gian, 2 chái. Điều này đã tạo nên cái nhìn mới mẻ, sự thay đổi đã tạo tiền đề và bước ngoặt lớn cho sự phát triển kiến trúc của Việt Nam sau này.
Không gian đăng đối trong công trình kiến trúc Indochine tại Hội An
Hành lang
Trong kiến trúc của ngôi nhà truyền thống Đông Dương hành lang còn khá xa lạ, ông cha ta thường gọi với cái tên gần gũi là “đầu hè”. Nhưng với kiến trúc mang đậm phong cách Châu Âu, thì hành lang xuất hiện tạo chiều sâu cho ngôi nhà giúp đón nắng, gió, tạo hệ thống ống dẫn khí xuyên suốt tòa nhà. Các không gian chức năng được thiết kế quay đầu vào hành lang để đón nhận ánh sáng, không khí, làm cho căn phòng luôn tràn ngập năng lượng.
Với điều kiện khí hậu có phần đặc biệt như ở Việt Nam, nắng nóng mưa nhiều, thì việc thiết kế hành lang là vô cùng cần thiết, công việc này đòi hỏi sự quan sát kĩ lưỡng của các kiến trúc sư, từ đó tạo ra những không gian ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Không gian thoáng đãng trong thiết kế phong cách Đông Dương hiện đại
Mái nhà
Người Việt trước vốn quen thuộc với mái lá, mái tranh, sau dần là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Nhưng khi kiểu kiến trúc Indochine xuất hiện thì những ngôi nhà với kiểu mái “phong cách mới" đem lại sự thú vị và cái nhìn mới mẻ. Mái nhà được thiết kế với độ dốc khoảng 60% đảm bảo cho việc thoát nước nhanh vào mùa mưa. Đỉnh có mái che, các góc mái hơi nhô cao. Phần mái thường được lợp bằng các loại ngói như ngói vảy rồng, ngói ống, hay ngói lưu ly, tạo cho ngôi nhà sự sang trọng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.
Mái nhà với độ dốc lý tưởng theo phong cách Indochine
Tường
Kết cấu tường của kiến trúc Indochine khá dày, khoảng 40cm, được xây 2 lớp nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nắng gắt vào mùa hè, lạnh buốt vào mùa đông của Việt Nam, loại tường 2 lớp này là một sáng tạo mới mẻ, được xem như công cụ giúp “điều hòa không khí” một cách hiệu quả.
Tường hai lớp - Nét đặc trưng độc đáo của kiến trúc Indochine
Hệ thống cửa
Từ trước tới nay, cửa nhà luôn được người Việt đặc biệt chú ý bởi đây là nơi đón nhận ánh sáng và gió tự nhiên từ bên ngoài. Giống như hệ thống tường, cửa cũng được thiết kế 2 lớp, lớp bên ngoài là cửa lá lấy gió, lớp trong thường là cửa kính để lấy ánh sáng vào trong nhà. Ngày nay, ở những nhà ở hiện đại người ta sử dụng lớp bên trong hoàn toàn bằng kính để thuận tiện cho việc dùng điều hoà nhiệt độ.
Hệ thống cửa tinh tế theo phong cách kiến trúc Đông Dương
Trang trí mặt tiền
Phong cách kiến trúc Indochine đặc trưng bởi toà nhà đứng đối xứng theo một trục với hình khối hết sức đơn giản, tinh tế. Mặt tiền được trang trí, chạm khắc mang đậm chất Á Đông như các chữ cái, hoa lá, hình bát giác,... được cắt tỉa tỉ mỉ. Ngoài ra, ở những công trình kiến trúc theo phong cách này thường sử dụng gốm xanh để trang trí các hoạ tiết nổi như hình nón, phù điêu, lan can,... là biểu tượng đặc trưng của kiến trúc Đông Dương.
Mặt tiền mang đậm chất Á Đông trong công trình phong cách Indochine hiện đại
Màu sắc
Ở những thiết kế theo lối kiến trúc Indochine người ta thường sử dụng những màu trung tính tạo cảm giác thoải mái phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, có thể điểm qua như: màu vàng nhạt, vàng kem, trắng,... tuy nhiên có những thiết kế người ta sử dụng những màu nổi bật hơn như màu vàng cam, màu tím, màu đỏ,..., song đa số những màu sắc trang nhã, nhẹ nhàng vẫn được ưa chuộng hơn cả.
Với người Á Đông việc lựa chọn màu sắc cho một công trình không chỉ thể hiện nét đặc trưng của phong cách kiến trúc hay nét đẹp văn hoá mà còn thể hiện được nét tính cách của con người qua đó.
Sắc trắng đặc trưng của kiến trúc Indochine hiện đại
Chất liệu
Chất liệu gỗ
Gỗ là chất liệu được ưa chuộng nhất trong những thiết kế của phong cách Indochine bởi nó không chỉ đem lại sự sang trọng, đẳng cấp mà còn là nét truyền thống của người Á Đông để thể hiện sự đầy đủ, quyền thế. Ngoài ra, với tính chất mềm, bền, chắc,…gỗ còn được sử dụng làm vật dụng ở nhiều công trình như hệ thống cửa, lát sàn, trần nhà, hệ khung kết cấu và console của mái, hay cả các chi tiết trang trí như phù điêu, tượng tròn,… cũng thường được làm bằng gỗ.
Mỗi loại gỗ tự nhiên sẽ có màu sắc, đường vân, hương thơm, tuổi thọ và độ bóng khác nhau vì vậy tùy theo sở thích, gu thẩm mỹ và phong cách của từng người để lựa chọn loại gỗ phù hợp, tạo sự đồng nhất với tổng thể công trình kiến trúc của mình. Tuy nhiên trong kiến trúc Indochine hiện đại, gỗ hương, gỗ óc chó thường được ưu tiên hơn cả bởi hương thơm tự nhiên và đặc tính bền.
Gỗ, tre thường được sử dụng trong phong cách nội thất Indochine
Chất liệu tre
Với đặc tính chống mối mọt tốt, độ bền cao và thích hợp với kiểu khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, tre cũng là một trong số chất liệu phổ biến được sử dụng trong những thiết kế của kiến trúc Indochine. Ở những công trình theo loại hình kiến trúc này, người ta thường dùng tre để làm đồ trang trí, trang thiết bị, vách ngăn,... tạo sự thân thiện, nét mềm mại tự nhiên cho không gian, bên cạnh đó còn gìn giữ được nét đẹp mộc mạc, giản dị của con người và hình ảnh cây tre trong dân gian Việt Nam.
Sử dụng tre làm các sản phẩm vật dụng trang trí sáng tạo trong phong cách Indochine
Chất liệu gạch
Trong phong cách Đông Dương hiện đại, gạch bông, gạch nung với kích thước nhỏ vừa phải thường được sử dụng để lát sàn, việc đưa những chất liệu này vào công trình không chỉ giúp cho quá trình bố trí, sắp xếp các mảng khối sáng tối nhằm tạo điểm nhấn cho từng khu vực một cách dễ dàng hơn mà còn là nét đặc trưng riêng biệt của loại hình kiến trúc Á - Âu với vẻ đẹp của sự sang trọng, lộng lẫy nhưng không kém phần tinh tế cho không gian.
Các loại gạch hoa văn mang lại vẻ ấn tượng cho căn nhà
Hoa văn, hoạ tiết
Xuất hiện từ thời Đông Sơn, hoạ tiết hoa văn được thể hiện một cách tỉ mỉ, tinh tế qua những đường nét chạm khắc cách điệu lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống như hình hoa lá, kỷ hà, tĩnh vật, hình chữ nhật,... thể hiện đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam và cũng thể hiện được tính nghệ thuật rất riêng của công trình kiến trúc mang phong cách Á Âu.
Phần lớn những hoa văn họa tiết phong cách Indochine đều bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, được ứng dụng khá nhiều vào các chi tiết như sàn, tường, trần, vật dụng trang trí, vách ngăn, nội thất,... và đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong kiến trúc Đông Dương, tạo nên chất rất riêng cho mỗi công trình.
Họa tiết hoa văn kết hợp với nội thất được sử dụng linh hoạt trong kiến trúc Indochine
Họa tiết Kỷ Hà
Họa tiết kỷ hà được chia ra thành ba nhóm: họa tiết mắc lưới, họa tiết vòng tròn và họa tiết hồi văn. Họa tiết mắc lưới có mắc lưới lục giác gọi là kim quy, nó giống vảy của con rùa vàng, mắc lưới hình thoi, có độ dài ngắn khác nhau, cạnh thẳng hơi cong nhẹ và các hoạ tiết không đều nhau. Còn họa tiết vòng tròn là họa tiết đồng tiền vàng được cách điệu.
Tuy nhiên, loại hoạ tiết được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất trong những thiết kế Indochine vẫn là hoạ tiết hồi văn. Họa tiết gợi dáng nét chữ á (亞), chữ thập (卐) , chữ vạn (萬), chữ công (工). Một loại hồi văn không có tên riêng nhưng được sử dựng nhiều để thiết kế nội thất ở góc, đầu hồi, sống mái nhà, quai bình, chân bàn,… thường được dùng làm vách ngăn trang trí vì tạo được độ thông thoáng và mang vẻ đẹp hài hòa, cuốn hút cho tổng thể không gian phòng. Hoạ tiết Kỷ Hà không chỉ là hoa văn trang trí làm đẹp, sinh động thêm cho không gian mà còn thể hiện được nét đẹp truyền thống của văn hoá Á Đông với những nét sáng tạo tinh tế, độc đáo.
Họa tiết kỷ hà giúp cho căn nhà phong cách Đông Dương hiện đại trở nên sinh động hơn
Họa tiết hình chữ nhật
Ảnh hưởng trực tiếp từ văn hoá Trung Quốc, hoạ tiết hình chữ nhật ra đời trang trí bằng các Hán tự như: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ cùng với sự kết hợp hài hoà của những nét liền hà đan xen tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng cho phong cách Indochine hiện đại. Hoạ tiết hình chữ nhật không chỉ thể hiện nét đẹp hiện đại, phá cách của người trẻ mà còn tượng trưng cho những điều may mắn thông qua bộ Hán tự Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ.
Họa tiết hình chữ nhật được ứng dụng trong phong cách Indochine hiện đại
Họa tiết tĩnh vật
Tĩnh vật là một trong những loại hoạ tiết được ứng dụng nhiều trong những thiết kế của phong cách Indochine. Hoạ tiết tĩnh vật trong loại hình kiến trúc này bao gồm trái châu và bát bửu. Trái châu gắn liền với hình ảnh hai con rồng được cách điệu mềm mại, tinh tế ở hai đầu góc mái chùa chiền hoặc đền thờ. Còn bộ bát bửu thường thấy gồm có quyển sách, đàn, quạt, cây thương, bầu rượu, bông sen, thanh gươm, giỏ hoa, cuốn sách, đàn, bút, phất trần, cây sao,... cả hai đều là những hoạ tiết được sử dụng nhiều bởi đó đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với người Việt, mỗi thiết kế đều gắn liền với hình ảnh thân quen để gợi nhắc con người ta nhớ, hoài niệm và trân trọng vẻ đẹp truyền thống.
Bức tranh là điểm nhấn nổi bật cho không gian
Họa tiết hoa lá, dây lá, quả
Họa tiết bao gồm: Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Sen - biểu tượng Tứ Quý, 4 loài đặc trưng của 4 mùa trong năm được cách điệu và đưa vào trong những thiết kế, hay như các hoạ tiết hoa lá, dây leo, loại quả đơn giản cũng được sử dụng chạy viền khổ khiến cho không gian trở nên gần gũi, thân thuộc và ấm cúng hơn.
Những vật dụng trang trí với họa tiết hoa lá xinh đẹp, nổi bật
Họa tiết hình thú
Nhắc đến họa tiết hình thú không thể không nhắc đến “Tứ Linh” – Long Lân Quy Phụng trong văn hóa truyền thống của người Châu Á, đây là những thần thú biểu trưng đậm sắc tín ngưỡng về tôn giáo và văn hóa. Bên cạnh đó còn những loài vật khác cũng được tin tưởng mang ý nghĩa tốt lành khác như hổ, ngựa, cò, cá chép…. xuất hiện trong những thiết kế của kiến trúc Đông Dương hiện đại bởi đây được coi là những con vật mang lại sự may mắn, tuy nhiên chúng thường không đứng một mình mà kết hợp với các họa tiết khác như kỷ hà, hình chữ, hồi văn.
Bức tranh hình thú làm điểm nhấn làm nổi bật thêm vẻ đẹp của căn phòng
Phù điêu, tượng
Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam rất đa dạng và phong phú vậy nên việc trưng bày hoặc trang trí đồ vật trong nhà đôi lúc cũng phải tuân theo những quy tắc hay mang một ý nghĩa nhất định.
Phù điêu và tượng tròn là đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam bởi vậy mà người ta kết hợp nét đặc trưng này trong thiết kế của kiến trúc Indochine để tạo sự thân quen, gần gũi và cũng thể hiện được phần nào nét đẹp đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Chúng thường được chạm khắc với những biểu tượng như:
- Tượng phật: biểu tượng cho tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện sự thanh cao và bình yên
- Con giống, con rối: đây là những biểu tượng thường thấy trong dân gian Việt Nam gắn với truyền thống múa rối nước, hay những con giống thân thuộc.
- Tứ linh: mô phỏng hình ảnh Long, Lân, Quy, Phụng, theo quan niệm của người Việt thì đây là những con vật biểu tượng cho may mắn, tiền tài
- Hoa sen: xuất phát từ thời Lý, Sen là đại diện cho sự trong sạch, thanh tịnh
- Hoa cúc: một loài hoa vô cùng bình dị, thân quen nhưng lại mang một nét đẹp tinh tế, kín đáo và lâu bền
- Bồ đề: cây bồ đề là biểu trưng cho sự đại giác ngộ của Đức Phật vì thế việc khắc hình ảnh cây bồ đề nhắc nhở con người ta hướng thiện, làm những việc tốt,...
Bức tường phù điêu là điểm nhấn đặc biệt nhất cho mặt tiền ngôi nhà theo kiến trúc Đông Dương
Đồ nội thất
Theo quan niệm của người Việt xưa, một gia đình cần phải có “sập gụ tủ chè” mới mang lại điều may mắn, thể hiện sự đủ đầy, gia thế của gia chủ, có lẽ bởi vậy mà ở nội thất trong kiến trúc Đông Dương những trang thiết bị như sập gụ, phản, bình phong là vật không thể thiếu. Đồ nội thất trong phong cách Đông Dương đảm bảo tính mộc mạc, chất phác, tái hiện nét đẹp truyền thống do đó nội thất gỗ tự nhiên hay đan lát từ mây, tre, nứa luôn được ưu tiên sử dụng.
Nội thất sử dụng hoàn toàn bằng gỗ, tre nứa của kiến trúc Đông Dương
Khám phá công trình kiến trúc Indochine tiêu biểu ở Việt Nam
Những công trình được thiết kế theo phong cách Đông Dương hiện đại luôn thể hiện nét đẹp Á Đông truyền thống, với sự tinh tế, độc đáo riêng. Hãy cùng khám phá những công trình kiến trúc Indochine tiêu biểu ở Việt Nam nhé!
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1932)
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có địa chỉ tại số 1 phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) (trước đây là Bảo tàng Louis Finot). Đây là một dự án trong hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Française d'Extrême-Orient) - một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học ở Đông Dương, được thành lập năm 1900 ở Sài Gòn, tới 1902 chuyển ra Hà Nội. Công trình do người Pháp xây dựng từ năm 1926 - 1932, mang tên vị giám đốc đầu tiên là Louis Finot (1864 - 1935). Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3-9-1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Indochine ở Hà Nội.
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Công trình nổi bật với những đặc điểm truyền thống như mái ngói dốc, con sơn đỡ diềm mái hay các ô văng cửa sổ,...Không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn là trung tâm lưu trữ hiện vật lịch sử hàng đầu của cả nước, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách.
Hotel de la Coupole - Mgallery Sapa
Tọa lạc giữa trung tâm thị xã Sapa, được thiết kế bởi kiến trúc sư Bill Bensley, Hotel de la Coupole - Mgallery là sự hòa quyện của sắc màu dân tộc thiểu số cùng sự quyến rũ của thời trang những năm 1920-1930 với phong cách Pháp Thượng Lưu. Đây cũng chính là nơi kiến trúc Indochine được tôn vinh và kết hợp cùng nét văn hóa bản địa của núi rừng Tây Bắc.
Hotel de la Coupole - Mgallery, Sapa
Mang hơi thở của kiến trúc Pháp thế kỷ 17 - 18 với quy tắc chuẩn mực về tính đối xứng, các hành lang nhiều cột, hoa văn chạm khắc tỉ mỉ và tông màu vàng, trắng, xám... tạo nên một không gian nguy nga, tráng lệ. Hotel de la Coupole - Mgallery là sự hòa quyện tuyệt vời của kiến trúc Á - Âu, lấy cảm hứng từ cánh đồng lúa xanh ngát cùng những hoa văn thủ công đường nét tinh xảo mang đậm dấu ấn Đông Dương.
Không gian tráng lệ bên trong khách sạn “cung điện” tại Sapa
Khách sạn được ngợi ca như một "cung điện" nghỉ dưỡng giữa lòng Sapa không chỉ vì dịch vụ, phòng nghỉ và không gian cao cấp, sang trọng mà còn ở lối thiết kế độc đáo. Công trình xứng đáng với danh hiệu "Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới 2020" do World Travel Awards trao tặng.
The Tonkin tại Vinhomes Smart City
Vinhomes Smart City - một đô thị hiện đại dẫn đầu xu thế với đa dạng không gian văn hoá đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, … và có một nét chấm phá đặc biệt đó là The Tonkin - một dấu ấn nghệ thuật của kiến trúc Indochine. Ở đó, giữa những toà cao ốc chọc trời vẫn còn những biệt thự Pháp cổ kính, cầu Long Biên,... những biểu tượng xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước nghìn năm văn hiến vẫn còn đó để giao hoà với nhịp sống nhộn nhịp, hiện đại của đô thị.
Phối cảnh phân khu The Tonkin.
The Tonkin tọa lạc tại tâm điểm Vinhomes Smart City, từ cảnh quan đến tiện ích ngoài trời như hồ bơi Indochine Resort, giàn cảnh quan The Muse, tiểu cảnh kết hợp phù điêu Chămpa Wave... tới những chi tiết của nội thất công cộng như trang trí tạo hình khung cửa đậm chất Đông Dương, nền gạch đá hoa đặc trưng với những họa tiết hoa văn tinh tế hay sắc vàng nổi bật đều được đều được thiết kế rất chỉn chu, tinh tế đem lại trải nghiệm không gian đáng sống.
Không gian xanh bên trong khuôn viên Tonkin
"Khác biệt, đặc sắc và đầy tính duy mỹ, The Tonkin được kỳ vọng là viên ngọc Á Đông giữa lòng Vinhomes Smart City, để những trải nghiệm với phong cách Indochine không dừng lại ở những không gian nghỉ dưỡng mà trở thành không gian sống và thưởng lãm từng ngày cho những chủ nhân tinh tế", đại diện chủ đầu tư cho biết.
Ứng dụng phong cách Indochine hiện nay
Hình thành và phát triển hơn 1 thế kỷ với hàng loạt công trình danh tiếng trải rộng khắp cả nước từ khách sạn, nhà hàng, biệt thự,... cho đến những công trình quy mô nhỏ như nhà ở, căn hộ thiết kế theo phong cách kiến trúc Indochine hiện đại đều rất được ưa chuộng trong thời đại hiện nay. Indochine style dần trở thành một trong những phong cách kiến trúc phổ biến nhất ở Việt Nam.
Thiết kế nhà ở phong cách indochine
Không gian sống hơi hướng hoài niệm đang là xu hướng thiết kế thi công đang khuấy đảo thị trường hiện nay, đặc biệt là ứng dụng trong những công trình nhà ở. Người ta tìm đến phong cách Đông Dương bởi nét mộc mạc, gần gũi nhưng cũng rất sang trọng, thời thượng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nội thất, phong cách kiến trúc Indochine trong thiết kế nhà ở ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn.
Nhà ở thiết kế theo phong cách Đông Dương hiện đại
Bất kỳ ai cũng dễ bị thu hút bởi nét bình dị, dân giã của nội thất như giường, phản,... thay thế hoàn toàn cho bàn ghế ở những căn nhà Đông Dương, chất liệu sử dụng trong nhà cũng gần gũi với thiên nhiên, đa số đều sử dụng những chất liệu quen thuộc như gỗ, tre nứa, gạch,... không khó để kiếm tìm nhưng lại mang đặc trưng riêng bởi nó được chạm khắc, trang trí hoạ tiết hoa văn vô cùng độc đáo. Bên cạnh nét truyền thống, giản dị của người Việt còn có sự kết hợp của nét đẹp từ phong cách nội thất, thiết kế hiện đại của Châu Âu để mang đến sự hoàn mỹ nhất ứng dụng vào thiết kế nhà ở phong cách Đông Dương hiện đại.
Không gian bên trong nhà ở phong cách Đông Dương hiện đại
Nếu được thiết kế bởi một kiến trúc sư tài năng, căn nhà sẽ trở nên sang trọng hơn rất nhiều. Gia chủ sẽ có được một không gian sống mang giá trị kết nội văn hóa Đông – Tây vừa gần gũi, vừa độc đáo. Sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa khác nhau mang đến một không gian sống rất khác biệt.
Nhà hàng
Không chỉ được ứng dụng trong thiết kế xây dựng nhà ở, phong cách kiến trúc Indochine ngày nay còn được ứng dụng rất nhiều trong các nhà hàng, quán ăn bởi tính độc đáo và thẩm mỹ cao. Mọi đồ dùng, nội thất như bàn ghế, tủ, kệ,... đều được làm bằng chất liệu truyền thống trong tự nhiên như gỗ, tre trúc. Đây đều là những đồ nội thất truyền thống, gần gũi với văn hoá phương Đông và cũng mang nét đẹp tinh tế, nhẹ nhàng cho không gian nhà hàng.
Nhà hàng Vua chả cá thiết kế theo kiến trúc Đông Dương hiện đại
Một điểm đặc biệt nữa là ở những thiết kế theo phong cách này đều sử dụng gam màu trung tính làm chủ đạo, các tông màu vàng nhạt, vàng kem, trắng, đặc biệt là nâu gỗ được ưu tiên hơn cả. Đây là những màu trang nhã, nhẹ nhàng, tuy nhiên để tạo điểm nhấn, nét chấm phá thì nhà hàng thường khéo léo đan xen những tone màu nổi bật như sắc cam, đỏ, xanh trên đệm của ghế ăn, tranh treo tường, vật dụng trang trí,... để tạo điểm nhấn, nét chấm phá riêng.
Không gian bên trong đậm chất Á Đông của nhà hàng Vua chả cá
Có thể thấy rằng trong các nhà hàng kiến trúc Indochine thường có những vật dụng trang trí như tượng phật, bình phong, phù điêu,... được chạm khắc thủ công, hay những chiếc đèn tường, những món đồ cổ từ xa xưa mang đặc trưng cổ điển Pháp như điện thoại cổ, đĩa than, đài cát sét cổ,... Một không gian nhà hàng đậm chất Đông Dương mang đến cho thực khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lãng mạn, ngọt ngào cho đến sâu lắng, bình yên.
Nhà hàng 5 sao phong cách Đông Dương sang trọng, tinh tế nhưng cũng rất gần gũi.
Thiết kế nhà hàng hay quán quán ăn theo kiến trúc Indochine không quá khó, tuy nhiên cần phải cân bằng những yếu tố như thiết kế mặt tiền, quầy bar, dàn xếp không gian, bố trí ánh sáng hay cách phối màu cho từng khu vực sao cho tinh tế và phù hợp. Mỗi công trình là một sự sáng tạo độc đáo riêng, song với loại hình kiến trúc này cần tuân theo những quy tắc, chuẩn mực và đặc trưng nhất định để không gian nhà hàng trở nên sang trọng, chuyên nghiệp.
Coffee
Ngày nay, kiến trúc Indochine còn được ứng dụng rất nhiều trong những quán cafe sự kết hợp giữa hai nền văn hóa đặc trưng Đông - Tây tạo nên nét độc đáo riêng, hòa nhập nhưng không hòa tan. Thiết kế Indochine có sự chắt lọc nét đẹp tinh túy và điểm nhấn trong ngành thiết kế nội thất nói chung và thiết kế quán cà phê theo phong cách Indochine nói riêng. Hai phong cách thiết kế tưởng chừng như tương phản, đối lập nhưng khi kết hợp lại rất hài hòa.
Mộc An coffee - Không gian cafe đậm nét Đông Dương
Tông màu chủ đạo trong thiết kế quán cà phê phong cách Indochine thường là: Nâu, trắng, kem... đều là những màu trung tính mang lại sự nền nã, gần gũi, một chút đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần tinh tế. Hơn nữa những gam màu trung tính này còn giúp cho không gian quán trở nên mát mẻ phù hợp với khí hậu nhiệt đới mùa hè nóng, mùa đông lạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên để tạo điểm nhấn và tránh sự nhàm chán, người ta sử dụng những màu nóng rực rỡ như màu cam, vàng, đỏ,... làm nét chấm phá điểm xuyết trong những thiết kế quán cà phê.
Không gian bên trong sử dụng những vật liệu thiên nhiên của phong cách Indochine
Cũng như những thiết kế khác như nhà ở, nhà hàng, khi thiết kế coffee người ta vẫn sử dụng những vật liệu gần gũi và phổ biến ở Việt Nam như gỗ (trong các chi tiết như bàn ghế, tủ kệ, trần, sàn, cửa, cột chống dầm, vật trang trí,...); tre, trúc; hay gạch bông, gạch nung… Ngoài ra với sự phát triển của công nghiệp, những vật liệu như: Thép, nhựa PVC, kim loại cũng được kết hợp sử dụng khéo léo để phù hợp với yêu cầu của thiết kế quán cà phê phong cách Indochine. Nhờ đó, không gian quán vừa mang diện mạo mới, bắt kịp xu hướng hiện đại nhưng đồng thời vẫn giữ được giá trị cốt lõi bên trong.
Quán cafe đơn giản, tinh tế mang phong cách Đông Dương
Thiết kế quán cafe phong cách Indochine đặc trưng được thể hiện ở những họa tiết trang trí đặc sắc như hoạ tiết kỷ hà, hoạ tiết hình chữ nhật, hoạ tiết tĩnh vật, hoạ tiết hình hoa lá, hoạ tiết hình thú độc lạ, hay những bức tranh màu sắc... được lồng ghép vào tạo nét đẹp thẩm mỹ riêng cho quán. Mỗi mảng họa tiết đều mang tính giá trị nghệ thuật riêng, nếu biết cách áp dụng những chi tiết, họa tiết này vào bản thiết kế, chắc chắn công trình sẽ là một bức tranh nghệ thuật thu hút.
Mono coffee lab - Không gian Á - Âu giữa lòng thành phố
Không gian quán cafe thiết kế theo phong cách Indochine khá yên tĩnh với những nét đẹp hoài cổ, nhẹ nhàng sâu lắng như chính nét tính cách dịu dàng, đằm thắm của người Việt. Quán cafe như một khoảng lặng nhỏ bình yên giữa cuộc sống bộn bề, tấp nập ngoài kia, bởi vậy mà những quán cafe thiết kế theo phong cách này ngày càng được ưa chuộng. Còn gì tuyệt vời hơn một buổi chiều ngồi nhâm nhi tách trà, lắng nghe âm điệu du dương của những bản tình ca để xua tan đi mọi muộn phiền, lo toan trong cuộc sống.
Homestay
Homestay Indochine là loại hình thiết kế khá mới mẻ và thú vị hiện nay. Không cần diện tích quá lớn hay một chi phí khủng người ta cũng có thể thiết kế được một homestay đúng chuẩn phong cách Indochine. Bởi lẽ chất liệu làm nên nét đặc trưng của phong cách kiến trúc này không quá quý hiếm, đắt đỏ mà đều có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre nứa, gạch,... tất cả đều thân thiện, đem lại cảm giác dễ chịu, gần gũi như đang ở chính căn nhà của mình.
Homestay phong cách Indochine độc đáo
Vàng nhạt, vàng sữa, trắng sữa, nâu gỗ là những tông màu chủ đạo được ứng dụng trong homestay bởi đây đều là những gam màu nhẹ nhàng, trung tính dễ tạo thiện cảm cho khách hàng. Vẫn là không gian mở, dãy hành lang, hệ thống cửa hai lớp tiện dụng nhưng với thiết kế homestay người ta luôn hướng tới công năng, giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ cao nên khi ứng dụng vào bản thiết kế đều được tính toán tỉ mỉ, chi tiết và sắp xếp tinh tế tạo nên một không gian đáng sống cho khách hàng.
Không gian bên trong homestay phong cách Đông Dương hiện đại
Không quá cầu kỳ, rườm rà, kiến trúc Indochine dần trở thành tượng đài phong cách phủ sóng khắp các hạng mục công trình tại Việt Nam bởi sức hút mãnh liệt và giá trị trường tồn dài lâu. Có thể nói sức hút của Indochine là vô cùng to lớn bởi lẽ đó không chỉ là nét văn hoá, truyền thống của người Việt Nam mà còn hội tụ tinh hoa văn hoá, kiến trúc cổ điển của Pháp. Mặc dù đều được thiết kế theo phong cách kiến trúc Indochine song mỗi công trình homestay Indochine lại mang một nét đẹp và giá trị riêng, khiến cho loại hình kiến trúc Á Âu này ngày càng được đón nhận và ứng dụng nhiều hơn.
Homestay mang đậm dấu ấn Á - Âu của phong cách kiến trúc Indochine
Đến với không gian homestay khách du lịch không chỉ được chìm đắm vào một vùng trời mới mẻ, nơi giao thoa giữa hai nền văn hoá Á - Âu, hoà mình vào thiên nhiên để tận hưởng những phút giây bình yên, thư giãn sau những tháng ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng mà còn được sống lại kỉ niệm năm tháng xưa với không gian hoài cổ, những góc trang trí, hình ảnh họa tiết, bức tranh tĩnh vật thân quen hay qua góc nhỏ sưu tầm đồ vật cổ,... tất cả đều được tái hiện lại trong khuôn viên nhỏ xinh homestay. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời với những người yêu thích sự hoài cổ và không gian cổ xưa.
Tạm kết
Phong cách kiến trúc Indochine - một loại hình kiến trúc đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước, song sức hút của nó vẫn mãi mãnh liệt khiến con người ra không khỏi mê mẩn. Kiến trúc Đông Dương hiện đại hay kiến trúc Indochine sẽ là cái tên được nhắc đến mãi về sau bởi những nét đặc trưng, vẻ đẹp hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hoá Á - Âu, một vùng trời bình dị, thân thương nhưng rất đỗi sang trọng, tinh tế.