Một số kinh nghiệm cần chuẩn bị trước khi xây nhà: Dựa trên kinh nghiệm của những người đã xây dựng hoàn thiện ngôi nhà của mình, có một số vấn đề vô cùng quan trọng mà người chuẩn bị xây nhà cần lưu ý. Đây là những điều cần chuẩn bị trước khi xây nhà nếu bạn muốn có được một ngôi nhà đẹp, đúng kỹ thuật, an toàn và không tiêu tốn quá nhiều kinh phí và công sức của bạn.
1. Chuẩn bị “Kinh phí”
Ngôi nhà thường là tài sản có giá trị nhất đối với cuộc đời mỗi con người, nhất là trên quan điểm và suy nghĩ của người Việt Nam. Vì thế, để xây dựng một ngôi nhà phù hợp như mong muốn của bạn, điều đầu tiên chính là kinh phí.
Kinh phí chính là cốt lõi, là nền tảng để tạo nên một ngôi nhà trong tương lai của mỗi chúng ta. Dựa vào địa thế, diện tích mảnh đất, dựa trên ý tưởng về một ngôi nhà hoàn hảo và phù hợp với nhu cầu sử dụng, và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mà các bạn nên dự trù khoản kinh phí sẽ đầu tư cho việc xây dựng căn nhà mới.
2.Tìm đơn vị tư vấn Thiết kế:
Khi đã có dự trù kinh phí và ý tưởng cho ngôi nhà mới của mình. Việc quan trọng thứ 2 đó là tìm được một đơn vị tư vấn thiết kế cho ngôi nhà của bạn. Bởi một số lý do:
– Các Kiến trúc sư sẽ giúp mình phác thảo lại tất cả các ý tưởng của mình trên hình ảnh để dễ dàng hình dung tổng thể ngôi nhà khi xây xong nó sẽ thế nào. Ngoài ra, các kiến trúc sư còn tư vấn những điều hợp lý và chưa hợp lý từ trên những ý tưởng của bạn và đưa ra phương án phù hợp nhất có thể để ngôi nhà được hoàn thiện một cách hoàn hảo nhất có thể. Bởi chúng ta không thể biết hết được những vấn đề phát sinh về mặt kỹ thuật trong quá trình thiết kế và thi công.
– Ngoài ra, trong thiết kế phải tính đến cả những yếu tố Phong thuỷ, và chính những Kiến trúc sư cũng là người giúp bạn việc đó. Hoặc nếu cẩn thận hơn, các bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các Thầy địa lý, phong thủy… rồi nhờ các KTS dựa trên ý kiến của các Thầy đưa vào thiết kế chi tiết để đảm bảo căn nhà được xây dựng đúng mục đích và vẫn chuẩn theo phong thủy để ngôi nhà đó mang lại phúc khí, sức khỏe, tài lộc cho gia chủ khi dọn về ở.
– Kinh nghiệm xương máu của những người đã từng xây nhà là: Nếu có sự tư vấn thiết kế của những Kiến trúc sư chuyên nghiệp, thì khi thi công nói chung không xảy ra vấn đề gì. Nếu có cần thay đổi thiết kế cũng nên đàm phán lại với người thiết kế để họ đưa ra đề xuất phù hợp với những thay đổi tại thời điểm đó.
– Khi thiết kế tốt nhất bạn cũng cần nhờ họ tư vấn luôn cho phần hoàn thiện cho mình như: Chọn gạch màu gì, cửa loại gì, sơn màu gì… Nếu tài chính với bạn không là vấn đề quá lớn và muốn làm đồng bộ thì nên thuê cả thiết kế nội thất và yêu cầu họ làm hoàn thiện luôn. Hoặc nếu nhà bạn có nhiều đồ đạc cũ muốn tận dụng thì cũng nên nhờ các KTS thiết kế sao cho có thể sử dụng lại được những đồ đạc đó một cách hữu ích nhất.
3. Xem ngày giờ:
– Trong xã hội hiện đại, ta không bàn đến việc mê tín, nhưng dựa vào kinh nghiệm của ông cha ta từ lâu đời, đối với việc lớn như xây nhà thì bạn nên xem xét ngày giờ cẩn thận cho những ngày quan trọng như: ngày phá dỡ nhà, động thổ, cất nóc và nhập trạch.
– “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, làm những việc này còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, giúp gia chủ yên tâm hơn khi thi công công trình và gặp nhiều may mắn khi dọn về sinh sống trong ngôi nhà. Bởi “Đất có Thổ công – Sông có Hà bá”. Hiểu một cách đơn giản là ta báo cáo và xin phép với chư vị thần linh cai quản đất cho ta được động thổ, xây dựng căn thiên cơ trụ thạch được thuận lợi và may mắn.
4. Chọn nhà thầu thi công
– Thông thường bạn không có quyền chọn thợ mà chỉ có thể chọn “cai thầu”. Tuy nhiên cố gắng chọn cai thầu có uy tín. Tốt nhất nên tham khảo anh em, bạn bè đã xây nhà để tham khảo công trình và đội thợ thi công. Ta có thể thăm quan công trình họ đang làm hoặc đã thành, ngoài việc nhìn ta còn lắng nghe cả ý kiến của chủ những công trình đó về năng lực và trách nhiệm của đội thợ khi thi công như thế nào.
– Thường thì có 2 hình thức thuê thợ:
+ Tính công nhật: Nếu như chọn được đội thợ quen của người nhà, đảm bảo có trách nhiệm và uy tín thì có thể chọn hình thức này. Bởi nếu thuê theo công thì càng kéo dài thợ càng được lợi, làm nhàn hơn mà tiền công nhận được vẫn vậy, nên rất dễ tốn kém thêm rất nhiều tiền công thợ.
+ Giao Khoán: Thông thường tiền công khoán tính theo m2 sàn. Cứ tính tổng m2 bê tông sàn từ tầng dưới lên rồi nhân theo đơn giá. Có hai hình thức khoán: khoán toàn bộ và khoán công nhật. Nếu mình không có người giám sát hàng ngày thì có thể khoán toàn bộ, nghĩa là họ lo cả vật liệu cho mình luôn. Nhưng với hình thức này cần phải làm rất rõ trách nhiệm của thợ phải làm đến đâu. Chỉ khoán xây thô hay cả hoàn thiện, nếu hoàn thiện thì hoàn thiện đến hạng mục nào…
Nếu chọn thợ không tốt thì chắc chắn kết quả bạn sẽ nhận được ngôi nhà không như ý. Tường không được phẳng, các góc ko tốt, cửa ko đều… là những rủi ro có thể phải đón nhận. Ngoài ra vấn đề tài chính không rõ ràng, minh bạch, ăn cắp vật liệu cũng có thể sẽ xảy ra.
5. Lựa chọn người giám sát thi công:
Việc này cũng khá quan trọng. Thông thường thợ xây là những người không có trình độ tốt, hoặc làm ẩu, làm sai, thậm chí việc ăn cắp vật liệu, tiền bạc… có thể xảy ra. Do đó nếu có thể bạn nên tìm một người giám sát thợ hàng ngày vì công việc này khá quan trọng. Bạn nên tìm người có quan hệ thân thuộc và biết về kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra khi tìm người cũng phải rõ ràng, nhờ vả hay thuê (nếu là họ hàng), và trách nhiệm của mọi người đến đâu. Ví dụ như việc bạn vẫn phải là người quyết định cuối cùng, nếu có gì sai khác với thiết kế thì đều phải thông qua ý kiến của bạn và tư vấn từ kiến trúc sư..
Kiến trúc sư kiêm giám sát sẽ khiến giúp chủ đầu tư hoàn toàn an tâm và không phải lo lắng bất kể vấn đề gì về kiến thức và quy trình xây dựng công trình
6. Khảo sát giá cả vật liệu:
Kể cả bạn thuê khoán trọn gói hay thuê công nhật và mua vật liệu thì bạn cũng nên tìm hiểu và lựa chọn nơi cung cấp vật liệu, giá cả… Nếu nhà nhỏ không để được nhiều vật liệu (cát, đá, xi măng…) thì bạn nên chọn nơi cung cấp gần nhà để có thể luôn có sẵn sàng vật liệu, thợ không phải nghỉ chờ. Về sắt thì nên lựa chọn kỹ (cái này liên quan đến thiết kế kết cấu nữa). Trong số vật liệu thô thì sắt là đắt nhất, thế nên bạn cũng cần tìm hiểu trước khi chọn nơi mua, đám phán đầy đủ về giá cả (kể cả công vận chuyển).
7. Chuẩn bị giấy tờ, xin giấy phép: Để tránh bị chính quyền gây khó dễ hay đình chỉ việc thi công thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ bản vẽ thiết kế và xin giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền.
8. Trao đổi với các gia đình xung quanh:
– Trước khi xây nhà bạn cũng nên sang nói chuyện với hàng xóm xung quanh. Thứ nhất là thông báo bạn xây nhà nên có thể có vấn đề vật liệu bẩn, thợ đến làm…ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của mọi người.
– Thứ hai là nói rõ phương án xây dựng thế nào và không ảnh hưởng đến gia đình họ, tránh việc đang xây thì xảy ra tranh chấp, cãi vã… Trong trường hợp xây nhà có thể ảnh hưởng đến nhà bên cạnh thì phải chuẩn bị phương án đề phòng chống (sụt nún, nứt…).
– Vấn đề nữa là nếu có khả năng ảnh hưởng cao thì bạn nên xem xét những phần liên quan xem có bị nứt, lún gì chưa (nếu có thì chụp ảnh, lập biên bản trước khi xây dựng để làm bằng chứng). Thông thường khi xây nhà rất hay xảy ra tranh chấp, thế nên bạn chuẩn bị sẵn giấy tờ liên quan và chụp lại ảnh hiện trạng nhà hiện tại để làm bằng chứng sau này.
Trên đây là 8 điều quan trọng cần chuẩn bị trước khi xây nhà. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi xây nhà, bạn có thể sẽ phải kéo dài thời gian làm nhà so với bình thường,hoặc có thể phát sinh một số chi phí gây ra sự mệt mỏi và tốn kém. Vì thế, hãy ghi nhớ 8 điều trên đây và tham khảo kinh nghiệm làm nhà của những người xung quan để việc làm nhà được thuận lợi nhất.